Hai mặt của thị trường BĐS
Các chuyên gia trong Hội thảo BĐS với chủ đề “20 năm nhìn lại và 2 năm hướng tới” do Auscham tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM đã nhận định, trong 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường đã có bước phát triển khá mạnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam dẫn chứng, trong khoảng thời gian 10 năm (1999-2009), quỹ nhà ở toàn quốc đã tăng gấp 2 lần, từ 709 triệu m2, lên 1.433 triệu m2 và dự kiến đến cuối năm 2014 đạt 1.959 triệu m2. Theo ông Nam, BĐS đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đơn cử, trong năm 2013, kinh doanh BĐS chiếm 5,38% GDP, còn nếu tính cả lĩnh vực xây dựng, thì quy mô chiếm đến 10,7% GDP; dư nợ cho vay BĐS đến cuối năm 2013 đạt 265.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dự nợ.
Tuy nhiên, tác động hiện hữu nhất thời gian qua là sự hình thành nhiều dự án BĐS, các khu đô thị, sự thay đổi về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, làm thay đổi bộ mặt của nhiều khu vực thành thị và nông thôn.
Thanh khoản trên thị trường BĐS đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nay |
Dù đã có bước phát triển nhất định, song nhìn chung, thị trường BĐS vẫn có không ít khiếm khuyết, mà nhược điểm lớn là mất cân đối tài chính. “BĐS là lĩnh vực kinh doanh, đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi đó, phần nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc lại có quy mô vốn nhỏ. Không ít doanh nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Đây là những nguồn vốn thiếu tính bền vững, đặc biệt là lúc thị trường BĐS gặp khó khăn”, ông Nam nói và dẫn chứng, theo báo cáo gần đây nhất của 45 tỉnh, thành phố, có đến 15.316 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh BĐS, trong đó có 8.603 doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng, chiếm gần 63%; chỉ có 2.636 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng.
Cơ hội mới cho các nhà đầu tư
Tại hội thảo, theo đại diện các nhà đầu tư, một trong những vướng mắc lớn nhất khiến chưa nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường BĐS Việt Nam là thủ tục hành chính rườm rà.
Ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ vấn đề này với các nhà đầu tư. Ông Nam cho biết, quả thực thủ tục hành chính rườm rà là một trong những “thủ phạm” làm tăng chi phí đầu tư và đánh mất cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trở ngại này sắp được tháo gỡ khi thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các ban, ngành nỗ lực giải quyết các nút thắt về thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, đồng thời ban hành nhiều chính sách thông thoáng trong kinh doanh BĐS.
“Hiện Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi đã được thông qua, sắp tới Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng sẽ được thông qua với tinh thần sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”, ông Nam nói.
Vẫn theo ông Nam, để “làm sạch” thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát phân loại hơn 4.000 dự án BĐS. Sau khi phân loại, những dự án nào sắp hoàn thiện, có tiến độ đầu tư tốt sẽ bơm vốn để hoàn thiện, những dự án nào phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế thị trường sẽ được điều chỉnh và dự án nào chưa làm gì, chủ đầu tư thiếu năng lực sẽ phải dừng lại. Đặc biệt, một trong những điểm rất quan trọng sắp tới là Nhà nước sẽ đứng ra đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sau đó đấu giá công khai cho các nhà đầu tư để tạo sự minh bạch cho thị trường.
Ông Marc Townsen, Tổng giám đốc Công ty CBRE là người đã tham gia thị trường BĐS Việt Nam khá lâu. Với kinh nghiệm của mình, ông Marc Townsen nhận định, thị trường BĐS Việt Nam thực sự đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Sau thời gian khó khăn, giá BĐS hiện nay đã thực sự chạm đáy và nhu cầu nhà ở đang tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, hạ tầng đã phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây nhất là ở Tp.HCM và Hà Nội. Đây chính là cơ sở nền tảng cho sự phát triển của thị trường trong thời gian sắp tới.